Hôn nhân Nội Thân vương Chikako

Đính hôn với Tướng quân

Năm Gia Vĩnh thứ 4 (1851), Hoàng nữ Kazu-no-Miya hứa hôn với Thân vương Arisugawa-no-Miya Taruhito (有栖川宮熾仁親王 (Hữu Tê Xuyên cung Xí Nhân thân vương), Thân vương Arisugawa-no-Miya Taruhito?). Hôn ước này sau đó đã bị phá vỡ khi triều đình cần một ai đó cho một cuộc hôn nhân chính trị với Mạc phủ Tokugawa để thúc đẩy hòa giải giữa triều đình và Mạc phủ, nhưng ứng cử viên ban đầu cho cuộc hôn nhân này đã qua đời. Ngày 12 tháng 4 năm Vạn Diên thứ nhất (万延元年 - Vạn Diên nguyên niên) tức ngày 1 tháng 6 năm 1860, đại diện Mạc phủ - Sở Ti Đại (所司代; Shoshidai) Sakai Tadaaki gửi bản tấu thỉnh đề nghị hoàng nữ Kazu-no-Miya hàng giá.[3]

Ban đầu Kazu-no-Miya không đồng ý. Ngày 4 tháng 5 năm Vạn Diên thứ nhất (22 tháng 6 năm 1860), Hiếu Minh Thiên hoàng sau khi họp bàn với các bá quan Nghị Tấu và Võ Gia Truyền Tấu cũng đã từ chối đề nghị trên với các lý do sau:

  • Một là, Kazu-no-Miya đã có hôn ước.
  • Hai là, Kazu-no-Miya là một hoàng nữ, con gái của tiên đế, em cùng cha khác mẹ với Hiếu Minh Thiên hoàng, nên hôn sự của nàng Thiên hoàng không tùy tiện quyết định được.
  • Ba là, Hiếu Minh Thiên hoàng không muốn em gái mình bị đưa đến Kanto, nơi có rất nhiều người ngoại quốc.

Ngày 11 tháng 5 năm Vạn Diên thứ nhất (29 tháng 6 năm 1860), Sở Ti Đại Sakai gửi lại "Tướng Quân Gia Hàng Giá Tấu Thỉnh", nhưng đến 19 tháng 5 (7 tháng 7 năm 1860), Hiếu Minh Thiên hoàng lại từ chối. Ngày 21 tháng 7 năm 1860, sau khi nhận được thông tin từ Sở Ti Đại Sakai, Mạc phủ quyết định một lần nữa gửi lại lời đề nghị, nhưng lần này dưới danh nghĩa của các Hiếu Trung ở Edo. Mạc phủ đã thuyết phục được một số người ủng hộ mình ở Kyoto, trong đó có cả mẹ của hoàng nữ Kazu-no-Miya. Họ đã thuyết phục cả Thiên hoàng và Kazu-no-Miya chấp nhận đề nghị từ phía Mạc phủ. Thiên hoàng tuyên bố: Người sẽ đồng ý cho cuộc hôn nhân này nếu Mạc phủ bác bỏ Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại với Hoa Kỳ, và trở về với chính sách bế quan tỏa cảng trước đó. Ngày 20 tháng 8 năm 1860, Sở Ti Đại Sakai lần thứ ba trình lên lời đề nghị của Mạc phủ, nhưng lại tiếp tục bị Thiên hoàng từ chối vì cho rằng Mạc phủ chưa có cam kết sẽ thực thi chính sách "bế quan toả cảng" và "nhương di".[4] Ngày 14 tháng 9 năm 1860, Sở Ti Đại Sakai lại trình lên Thiên hoàng bản tấu thỉnh đã được sửa đổi, Sakai cam kết sẽ thực hiện "nhương di" và "bế quan toả cảng" như ý của Thiên hoàng. Lần này, mặc dù Thiên hoàng đã xuôi, nhưng Kazu-no-Miya vẫn tiếp tục từ chối đề nghị từ Mạc phủ.

Mạc phủ liên tục gây sức ép lên triều đình. Trong đó có 3 điều:

  • Một, nếu Kazu-no-Miya từ chối, một người khác trong hoàng thất sẽ được lựa chọn để thay thế.
  • Hai, sẽ phế đế đối với Hiếu Minh Thiên hoàng.
  • Ba, hoàng nữ Kazu-no-Miya bị buộc phải huỷ hôn với hoàng thân Arisugawa-no-Miya, nhưng vẫn tính là có một đời chồng, nên phải xuống tóc quy y đến hết đời.

Dưới những áp lực đè nặng, Kazu-no-Miya cuối cùng đã phải đồng ý, nhưng với một số điều kiện, trong đó có hai điều quan trọng: Một là, lối sống của nàng trong thành Edo vẫn sẽ giống như trong cung điện ở Kyoto. Hai là, hàng năm, Mạc phủ phải cho nàng trở về kinh đô để làm lễ cúng giỗ cha mình. Hiếu Minh Thiên hoàng yêu cầu Mạc phủ phải thực hiện đúng cam kết và mọi điều kiện của Kazu-no-Miya phải được đáp ứng đầy đủ.

Gả đến Edo

Năm Văn Cửu thứ nhất (1861), ngày 19 tháng 4 (âm lịch), Hiếu Minh Thiên hoàng ban chỉ, sắc phong Kazu-no-Miya tước vị Nội thân vương, huý danh Thân Tử (親子, Chikako?), hiệu Thân Tử Nội Thân vương (親子内親王, Chikako Naishinnō?). Từ đó, hai chữ "Thân Tử" (Chikako) được thêm vào tên của bà, toàn danh là "Hoà Cung Thân Tử Nội Thân vương" (和宮親子内親王, "Hoà Cung Thân Tử Nội Thân vương"?). Cùng năm đó, ngày 15 tháng 11 âm lịch, Nội Thân vương Chikako được hộ tống bởi mẹ ruột Quang Hành viện cùng cận thần của mình là Niwata Tsuguko đã đến lâu đài Edo. Do lo ngại về các cuộc tấn công bởi những người phản đối chính sách của Mạc phủ Tokugawa, lực lượng an ninh từ hàng chục phiên đã được huy động để bảo vệ đám rước dâu.

Năm Văn Cửu thứ 2 (1862), ngày 11 tháng 2 âm lịch, lễ cưới giữa Nội Thân vương Chikako và tướng quân Tokugawa Iemochi diễn ra. Buổi lễ này khác tất cả lễ cưới của các tướng quân Tokugawa đời trước khi cô dâu là một người đã được phong tước Nội Thân vương trước khi rời khỏi Kyoto. Chikako sau đó sống tại hậu cung Edo cùng chồng và mẹ chồng, với danh vị Ngự đài sở.

Trong hậu cung Edo, Chikako luôn giữ những phong tục của cung điện Hoàng gia, vì thế đã gây ra nhiều va chạm đáng kể với Jitsujō'in (実成院 (Thực Thành viện), Jitsujō'in?) - mẹ của tướng quân Tokugawa Iemochi, nhưng hai người đã hòa giải sau đó. Chikako đã có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp với chồng mình. Họ là cặp vợ chồng tình cảm nhất trong số tất cả các tướng quân Tokugawa, và tướng quân Iemochi không lấy bất kỳ người vợ lẽ nào. Mọi người gọi bà là "Kazu-no-Miya-sama" (和宮様 (Hoà Cung dạng), "Kazu-no-Miya-sama"?), khác với truyền thống Mạc phủ: phải gọi vợ của Tướng quân là "Midai-sama" (御台様 (Ngự đài dạng), "Midai-sama"?).